Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Sự công bằng luôn gây tranh cãi

Bình đẳng là yếu tố cơ bản hợp thành sự công bằng. Không ở đâu luật pháp qui định “mọi người đều bình đẳng”, vì điều đó không thể có, nhưng gần như pháp luật của quốc gia nào cũng qui định “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.

Công bằng (Tiếng La tinh: iustitia; Tiếng Anh và Tiếng Pháp: justice) là một khái niệm luôn gây ra sự tranh cãi, vì tính trừu tượng của nó.

Công bằng cũng có thể hiểu một cách khái quát nhất là trạng thái lý tưởng của xã hội loài người, trong đó vấn đề tài sản, lợi ích, cơ hội giữa các thành viên trong xã hội được phân chia một cách phù hợp, không thiên vị.(1) Công bằng cũng có thể được hiểu theo hai nghĩa khác nhau là nghĩa khách quan (objective justice) hoặc nghĩa chủ quan (subjective justice).(2)

Theo nghĩa khách quan, công bằng được hiểu là những giá trị đúng đắn, những qui tắc, chuẩn mực chung hoặc cách thức hành động phù hợp, được cộng đồng thừa nhận.(3) Chẳng hạn: Cái thiện luôn thắng cái ác, Cô Tấm hiền thảo, chịu khó hay Thạch Sanh nghĩa hiệp cuối cùng được hưởng vinh hoa phú quí, còn mẹ con Cám độc ác hay Lý Thông gian ác, xảo quyệt cuối cùng phải bị trừng trị. Đó là sự công bằng; Hay qui định người nào làm nhiều sẽ được hưởng nhiều, người nào làm ít sẽ được hưởng ít, người có công được thưởng, người có tội phải bị trừng phạt; người có công càng lớn thì mức thưởng càng lớn, người có tội càng nặng, mức phạt sẽ càng nặng. Đó là công bằng.
Công bằng không có nghĩa là cào bằng từ trên xuống, đánh đồng, bắt mọi người ai cũng giống nhau. Tiếp tục nhìn vào thực tế, trong nền kinh tế thị trường thời mở cửa, sự phân hoá giàu nghèo không hoàn toàn là biểu hiện của sự không công bằng.
Trong kinh tế học, người ta phân biệt hai khái niệm khác nhau về công bằng xã hội đó là: công bằng xã hội theo chiều ngang (horizontal justice) nghĩa là đối xử như nhau đối với những người có đóng góp như nhau và công bằng xã hội theo chiều dọc (vertical justice) theo nghĩa là đối xử khác nhau với những người có những khác biệt bẩm sinh, trình độ, năng lực hoặc có các điều kiện sống khác nhau.
Chẳng hạn trong việc xây dựng chính sách thuế: Những người có khả năng ngang nhau cần phải đóng một khoản thuế ngang nhau (công bằng theo chiều ngang), và những người có khả năng hay thu nhập không ngang nhau cần phải áp dụng những khoản thuế khác nhau (công bằng theo chiều dọc). Chẳng hạn, những bác sĩ có cùng trình độ, cùng năm cống hiến phải được hưởng lương như nhau, nhưng không thể đòi hỏi lương một người bác sĩ lâu năm đã bỏ bao công lao động, học hỏi, phải ngang bằng với lương một người y tá mới ra trường.

Công bằng theo chiều dọc còn thể hiện ở việc nhà nước tạo điều kiện, mở rộng khả năng tiếp cận cho người nghèo, những nhóm người dễ bị tổn thương đến với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, công ăn việc làm, nguồn vốn, mạng lưới an sinh. Chẳng hạn chính sách cộng thêm điểm thi đại học theo vùng hiện nay, chính sách hỗ trợ cho những người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa cũng là biểu hiện của sự công bằng nếu hiểu công bằng theo chiều dọc. Những chính sách này góp phần kiến tạo sự công bằng về điều kiện sống và công bằng về cơ hội phát triển trong xã hội.(4)
Công bằng còn được hiểu là sự tìm kiếm một môi trường mà trong đó các cơ hội là ngang bằng nhau. Chẳng hạn, trong một xã hội đa dạng, đa chiều, sự cạnh tranh giữa các ý tưởng sẽ tạo điều kiện cho các sáng kiến của cá nhân phát triển. Chính sự cạnh tranh giữa các ý tưởng là bước khởi đầu, là cơ sở quan trọng để góp phần tạo nên sự công bằng xã hội. Điều này cũng phản ánh một qui luật tất yếu: sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc, động lực của sự phát triển.

Bình đẳng là yếu tố cơ bản hợp thành sự công bằng. Không ở đâu luật pháp qui định “mọi người đều bình đẳng”, vì điều đó không thể có, nhưng gần như pháp luật của quốc gia nào cũng qui định “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Bình đẳng trước pháp luật là điều kiện cơ bản để đạt đến sự công bằng.(5)
Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 đều đề cao giá trị bình đẳng, công bằng, mục đích là chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên sự khác biệt về nguồn gốc xuất thân, chủng tộc, màu da, giới tính, xu hướng tình dục, ngôn ngữ, tôn giáo, thế giới quan chính trị, nguồn gốc xuất thân, tài sản hay các điều kiện khác. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật bị vi phạm khi công quyền hành xử tùy tiện, đối xử bất công hơn đối với một nhóm người này so với một nhóm người khác, không dựa trên căn cứ pháp lý nào cả, mặc dù giữa hai nhóm này không có bất cứ một sự khác biệt nào về mặt địa vị pháp lý. Những đạo luật vi phạm nguyên tắc bình đẳng phải bị tuyên bố vô hiệu. Những quyết định hành chính hay phán quyết của Tòa án vi phạm nguyên tắc bình đẳng phải bị hủy bỏ.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, để đảm bảo cho sự công bằng, cơ quan lập pháp có vai trò rất quan trọng. Lập pháp có nhiệm vụ phải tối ưu hóa mọi lợi ích của mọi thành phần xã hội (welfare maximization). Muốn vậy, phải có cơ chế giải trình, kiểm tra, giám sát và đảm bảo minh bạch thông tin. Người dân phải được quyền biết và đóng góp ý kiến vào việc hình thành, cũng như giám sát việc thực thi pháp luật. Hoạt động hành pháp và tư pháp cũng phải dựa trên cơ sở pháp luật và đảm bảo sự vô tư (fairness), đồng thời phù hợp với tính chất, mức độ của từng quan hệ pháp lý cụ thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng.”
Công bằng ngày nay không chỉ là xu hướng chung trong thế giới đương đại mà còn là điều kiện cho tăng trưởng kinh tế, là tiêu chí, thước đo đánh giá mức độ phát triển bền vững của một xã hội. Mặc dù có nhiều cách quan niệm cũng như lý thuyết về sự công bằng, tuy nhiên những lý thuyết này vẫn chưa đủ để tạo ra một cách hiểu thống nhất về sự công bằng, bởi lẽ mỗi một nền văn hóa, ở không gian và thời gian khác nhau, lại xuất hiện những cách hiểu, cách đánh giá khác nhau về sự công bằng. Ngày nay trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, công bằng dần được nhìn nhận trong một phạm vi rộng lớn hơn, không chỉ được hiểu là công bằng trong phạm vi quốc gia, mà hơn thế, công bằng còn được hiểu ở phạm vi quốc tế.
Việc thực thi hiệu quả các vấn đề như công bằng trong việc tiếp cận các cơ hội, công bằng trong việc gánh vác trách nhiệm chung, công bằng trong việc hưởng các quyền tự do, công bằng dựa trên chủ nghĩa cộng đồng và công bằng giữa các thế hệ sẽ góp phần kiến tạo nên một sự phát triển bền vững về nhiều phương diện ở phạm vi toàn cầu.
-------------------
Xem chú thích:
1 Xem: Oswald Schwemmer, Gerechtigkeit, in: Jürgen Mittelstraß (Hrsg.): Enzyklopädie Philosophie und Wissenschaftstheorie. Band 1. Metzler, Stuttgart 1995, S. 746

2 Rüthers/Fischer/Birk, Rechtstheorie mit juristischer Methodenlehre, 6. Aufl., 2011, Rn. 347.

3 Rüthers/Fischer/Birk, Sách đã dẫn, Rn. 348.

4 Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Development Report 2006 – Equity and Development) ở những nước nào mà các yếu tố về công bằng, đặc biệt là công bằng về mặt cơ hội (equality of opportunity) được quan tâm, bảo vệ thì ở những nước đó có sự tăng trưởng tốt về kinh tế. (Xem báo cáo của ngân hàng thế giới (World Bank) về sự công bằng và phát triển (Equity and Development) năm 2006 tại địa chỉ: 

5 Nguyên tắc này đóng vai trò như là nền tảng của nhà nước pháp quyền hiện đại và là một nguyên tắc quan trọng của nhiều bản Hiến pháp dân chủ. Trong tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc năm 1948 (The Universal Declaration of Human Rights) có ghi nhận là: “Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền lợi.” Điều 52 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 cũng qui định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.

Công bằng là một khái niệm cực kỳ gây tranh cãi hiện nay vì chưa ai có thể định nghĩa xác thực như thế nào là công bằng. Kèm theo khái niệm này thì còn có các dạng phổ quát của nó đó là công bằng ngang, công bằng dọc, công bằng theo khách quan hay chủ quan, vân vân. Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu luận bàn về nó nhưng hầu hết chưa đạt được sự thuyết phục tuyệt đối.
Đấy là một khái niệm chưa được định nghĩa xác đáng, thế thì ở bài chia sẻ này tôi sẽ cố gắng tối giản nhất khái niệm này theo một phát biểu của Bill Gates: “Cuộc sống vốn không công bằng hãy tập quen dần với điều đó.” Bạn có suy nghĩ gì khi đọc điều này, ông chỉ đưa ra phát ngôn không lý giải thêm bất kỳ điều gì về câu nói này nhưng tôi tin hầu hết người đọc qua nó điều hiểu được ý nghĩa hàm ý của câu nói này.
Vậy theo bạn cuộc sống có công bằng không? Hay đó chỉ là nhân sinh quan của Bill Gates mà thôi?
Ông ấy sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ – một cường quốc về kính tế, chính trị, quân sự. Nói chung đất nước mà cái gì cũng là nhất. Uy tín nhất, hệ thống giáo dục tốt nhất, môi trường sống tốt nhất, có những công ty lớn nhất, có nhiều cơ hội phát triển nhất, dịch vụ y tế, khoa học kỹ thuật phát triển nhất,… Không những vậy ông lại là người có nhiều tiền nhất thế giới, có gia đình hạnh phúc với nhiều đứa con, con nuôi và những hoạt động thiện nguyện cho thế giới này. Ông được thừa hưởng tất cả những gì được gọi là tuyệt diệu nhất trên thế giới, điều mà ai cũng lấy làm mơ ước.
Vậy cớ vì đâu mà ông lại đưa ra quan điểm này. Đấy là vì ông là một tỷ phú đô la, vì ông là một người có tâm với thế giới. Ông đã giành gần hết giá trị tài sản của ông để giúp thế giới đánh lùi căn bệnh sốt rét và AIDS. Chính vì vậy ông có nhiều trải nghiệm ở những nơi tận cùng của thế giới, đến những khu ổ chuột, những nơi này con người không đáp ứng được nhu cầu cơ bản là lương thực, nước sạch, y tế và giáo dục. Vì thế ông đã bảo:
“Chúng ta không bao giờ có thể thay đổi cả thế giới. Sự bất công luôn tồn tại trong xã hội hiện đại vì thế hãy cố gắng thích nghi.”
Ông khuyên chúng ta hãy bớt phàn nàn về cuộc sống của chính mình. Đấy là điều mà chúng ta vướng rất nhiều, ai trong số trong ta không phàn nàn về đất nước chúng ta đang sống. Chúng ta không hài lòng về dịch vụ y tế của xứ sở này. Chúng ta không hài lòng về hệ thống giáo dục đang đè nặng trên đôi vai của chúng ta. Chúng ta không hài lòng về các dịch vụ nâng cao giá trị con người ở đất nước chúng ta. Chúng ta muốn đi du lịch nước ngoài để trải nghiệm và học hỏi nền văn minh của đất nước khác trong khi đất nước chúng ta còn rất nhiều điều để cho chúng ta trải nghiệm và học hỏi. Chúng ta muốn đến Mỹ, Úc, Châu Âu để học tập vì ở xứ sở này chúng ta cảm thấy bị thua thiệt. Một vài trong số chúng ta mang trong mình giấc mơ Mỹ. Để rồi rời bỏ cái xứ sở này đến định cư và xây dựng cuộc sống ở một nơi khác có nhiều điều kiện hơn cho chúng ta phát triển.
Vậy có bao giờ chúng ta nghĩ nếu chúng ta không ở Việt Nam mà ở Irag, Pakistan thì sao,.. mỗi ngày thức giấc là có người chết vì bất ổn chính trị, xã hội rối loạn, đi đâu cũng thấy xác chết, chứng kiến cảnh nồi da nấu thịt. Hoặc chúng ta là một đứa trẻ ở Châu Phi thì sao, chúng không có cơm ăn, không có nước uống. Nước sạch là điều gì đó rất xa xỉ với chúng. Hay chúng ta hàng ngày được lên Internet và kết nói với thế giới bên ngoài, chúng ta không vào được mạng xã hội thì chúng ta phàn nàn, chúng ta thấy truyền thông nhà nước đưa tin một chiều chúng ta cũng phàn nàn. Vậy nếu chúng ta sinh ra và lớn lên ở Triều Tiên thì các bạn cảm thấy thế nào. Thật tệ đúng không, không công bằng đúng không.
Có người nói thế này:
“Nếu bạn có thịt trong tủ lạnh, quần sao để mặc, ngôi nhà để về và chiếc giường để ngủ thì bạn đã giàu hơn 75% những người đang sống trên trái đất này. Nếu bạn có tiền gửi trong ngân hàng, tiền lẻ trong ví và tiền xu trong lợn tiết kiệm thì bạn đã nằm trong top 8% những người được coi là dư dả trên thế giới. Nếu buổi sang tỉnh dậy bạn thấy mình khỏe khắn vui vẻ thì bạn đã may mán hơn hàng triệu người không thể sống qua tuần này. Nếu bạn chưa bao giờ gặp chiến tranh, chưa bao giờ bị đói hay tổn thương nghiêm trọng nào trên cơ thê thì bạn đã sung sướng hơn 500 triệu người đang sống một cuộc sống đầy đau đớn trên thế giới. Nếu bạn có thể đọc được những dòng này bạn đã may mắn hơn gần 3 triệu người mù chữ trên thế giới.”
Đây là một thông điệp ý nghĩa và nó đã truyền đạt đầy đủ và sinh động về vấn đề này. Chúng ta thường hay so sánh và phàn nàn để được tiến bộ và phát triển hơn. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta cần sống chậm lại và nhìn lại mọi điều xung quanh mình để cuộc sống chúng ta luôn hoài hòa và hạnh phúc. Tham vọng là tốt nhưng cần điều chỉnh và dừng lại để biết mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người. Nó là vậy cuộc sống không công bằng, quan trọng chúng ta thích nghi với nó và sống mạnh mẻ như thế nào mà thôi. Mạnh mẻ để chúng ta – những cây được trồng ở vùng đất khô cằn sỏi đá cũng có thể gặt được những trái quả ngon ngọt.


“Nếu như mọi hạnh phúc trên đời đều đặt trên nền tảng của sự công bằng, thì cuộc sống chẳng còn gì là thú vị và để chúng ta phải cố gắng nữa!”
Bertrand Russell

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét